Giới thiệu các bước để xử lý khi bé bị dầm đâm vào tay
Các bé rất thích được dùng chính bàn tay của mình để cảm nhận thế giới xung quanh. Và chắc chắn chẳng có bé nào chịu mang một đôi găng tay vướng víu khi đang hứng thú cảm nhận thế giới bằng các xúc giác của mình cả. Đó là lý do bé rất dễ bị dầm đâm vào tay. Đơn giản là khi bé cầm một thanh gỗ chưa được bào kĩ, hay một đồ dùng bằng gỗ chưa hoàn thành ở đâu đó. Vậy là đủ để có một mảnh dầm nằm dưới da bé, gây đau đớn và khó chịu cho con bạn. Không chỉ gây đau, mảnh gỗ có thể làm bé bị nhiễm trùng nếu không được xử lý đúng cách. Thật may mắn là việc xử lý mảnh dầm không khó khăn lắm và hầu như không gây đau cho bé nếu mẹ biết cách.
Làm cách nào để lấy mảnh dầm ra?
1. Giữ sạch sẽ
Trước khi giúp bé lấy mảnh dầm ra, mẹ phải đảm bảo tay bé được rửa bằng xà phòng có tính sát khuẩn và nước sạch. Mảnh dầm đã mở một lỗ trên da bé, đó chính là lỗ hổng cho bất kỳ loại vi khuẩn nào xâm nhập vào và gây nhiễm trùng vết thương của bé. Đặc biệt là các vi khuẩn nằm trên thanh gỗ mang mảnh dầm.
2. Dính mảnh dầm và lấy ra
Có các cách khác nhau để lấy mảnh dầm ra khỏi tay bé. Nếu mẹ nhìn thấy một đầu của mảnh dầm vẫn còn thò ra khỏi ra da bé thì một trong những cách nhẹ nhàng (và ít làm bé sợ nhất) để lấy mảnh dầm ra là dùng một mảnh băng keo trong, nhẹ nhàng đặt nó lên đầu của mảnh dầm để không làm cho dầm đi sâu hơn vào da bé, sau đó kéo miếng băng keo ra từ từ theo hướng mà mảnh dầm đi vào da. Mẹ hoàn toàn có thể dùng cách này nếu mảnh dầm không đâm quá sâu vào da của bé.
3. Dùng nhíp
Nếu thấy mảnh dầm đã đâm khá sâu vào da của bé, dùng băng keo không đủ mạnh để lấy ra, mẹ sẽ cần một “vũ khí” mạnh hơn: cái nhíp. Khử trùng nhíp bằng một ít cồn, sau đó bấm nhíp để giữ đầu thò ra của mảnh dầm, từ từ kéo ra theo hướng mảnh dầm đã đâm vào tay bé.
4. Tạo một cái lỗ
Đôi khi mảnh dầm không dễ dàng để lôi ra mà lại nằm hoàn toàn dưới da của bé. Trong trường hợp đó, hãy khử trùng một cây kim với cồn và tạo một lỗ nhỏ trên da bé ngay tại đầu của mảnh dầm. Cách này có thể làm bé hoảng sợ vô cùng. Vì vậy, trước khi làm, mẹ có thể mở một đoạn video hoặc cho bé chơi trò chơi yêu thích nào đó để đánh lạc hướng. Dùng một tay đưa kim xuống dưới mảnh dầm để nâng đầu của nó lên đủ cao, tay còn lại dùng nhíp gắp và kéo mảnh gỗ ra.
5. Chăm sóc sau khi lấy dầm
Sau khi đã lấy được mảnh dầm ra, mẹ hãy thoa chút thuốc mỡ kháng sinh lên đầu vết thương và băng lại. Cũng như bất kỳ vết thương nào của bé, mẹ nhớ phải để mắt đến vết thương và khu vực xung quanh vào những ngày sau đó xem có biểu hiện của nhiễm trùng như sưng, nóng, đỏ, chảy mủ hay không.
Khi nào cần đến gặp bác sĩ?
Hầu hết các mảnh dầm đều dễ dàng xử lý. Nhưng trong một số trường hợp, mẹ sẽ cần đến chuyên gia để chăm sóc cho vết thương của bé. Sau đây là một số trường hợp mẹ cần đưa bé đến bác sĩ:
- Mảnh dầm quá lớn
- Mẹ đã thử mà không thể lấy mảnh dầm ra
- Mảnh dầm vỡ ra nhiều mảnh.
- Mảnh dầm nằm gần hoặc nằm trong mắt của bé.
Theo aFamily
Cùng Danh Mục:
Bẻ tay nhiều có hại cho tay hay không?
Bẻ khớp ngón tay - Lợi và hại có thể bạn không biết
Bị run chân tay thì tuyệt đối không nên uống cà phê
Leave a Reply